Thịt đỏ rất giàu chất sắt và hầu như người ta thường hay nghĩ đến thịt bò nhiều hơn là thịt heo khi nhắc đến nhóm thịt này. Hãy cùng KHOEPLUS24H tìm hiểu ngay thịt đỏ là gì, các loại thịt đỏ phổ biến cũng như sự khác biệt giữa thịt đỏ và thịt trắng qua bài viết dưới đây nhé!
Thịt đỏ là gì?
Thịt đỏ là loại thịt có chứa hợp chất heme – là nhóm chứa các nguyên tố sắt màu đỏ, giúp cho thịt có màu đỏ khi ở trạng thái tươi sống và hạn chế chuyển sang màu trắng khi được nấu chín. Hầu như các loại thịt đỏ đều chứa nhiều đạm, là nguồn cung cấp chất đạm để phát triển thể chất, đặc biệt là ở độ tuổi thành niên.
Tuy nhiên, chúng ta luôn được khuyến cáo về việc dùng thịt đỏ, không nên ăn quá 300 – 500gr thịt đỏ mỗi tuần, đồng thời nên chỉ nên ăn khoảng 2 lần/tuần (mỗi lần chừng 150gr thịt đỏ) kèm với nhiều loại rau củ để hấp thụ chất dinh dưỡng từ thịt đỏ tốt hơn.
Thành phần dinh dưỡng của thịt đỏ
Nếu ăn thịt đỏ từ những loại động vật được nuôi thả tự nhiên, thì sẽ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn cho cơ thể. Chẳng hạn, bò ăn cỏ có chất lượng thịt tốt hơn so với bò ăn ngũ cốc về thành phần omega-3, axit béo CLA, vitamin A và vitamin E. Nhìn chung, thịt đỏ là nguồn cung cấp chất đạm, chất sắt, kẽm, vitamin B12 tuyệt vời cùng với nhiều chất dinh dưỡng khác. Trong khẩu phần chứa 100gr thịt đỏ, như thịt bò xay sống thì có các chất dinh dưỡng như sau:
- Năng lượng: 176 calo
- Chất đạm: 20gr
- Chất béo: 10gr
- Vitamin B3: cung cấp 25% giá trị dinh dưỡng hằng ngày (RDA)
- Vitamin B6: 18% RDA
- Vitamin B12: 37% RDA
- Chất sắt: 12% RDA
- Chất kẽm: 32% RDA
- Selenium: 24% RDA
Ngoài ra, thịt đỏ còn giàu một số chất dinh dưỡng như carnosine và creatine đều có lợi cho sự hoạt động chức năng của não.
Các loại thịt đỏ
Nhắc đến thịt đỏ, đa phần chúng ta nhận biết qua màu sắc của thịt, đó là màu đỏ. Tuy nhiên, một số loại thịt không có màu đỏ nhưng vẫn được xếp vào danh sách nhóm thịt đỏ. Dưới đây là một số loại thịt đỏ phổ biến mà bạn nên biết:
Những lợi ích của thịt đỏ
Cung cấp lượng lớn protein
Thịt đỏ chứa một lượng lớn protein, hỗ trợ cơ thể bổ sung và phục hồi hiệu quả cho các nhóm cơ. Việc cung cấp đủ protein cũng hỗ trợ cơ thể sản xuất hormone và enzyme, giúp ngăn chặn bệnh tật.
Cung cấp sắt cho cơ thể
Thịt đỏ rất giàu sắt, đặc biệt là việc bổ sung sắt thông qua thịt đỏ dễ dàng hơn so với các thực phẩm từ thực vật. Việc sử dụng thịt đỏ 1 – 2 lần/tuần đủ để cung cấp lượng sắt cần thiết cho cơ thể.
Cung cấp kẽm cho cơ thể
Kẽm là dưỡng chất không thể thiếu, hỗ trợ sự phát triển của trí não, tăng cường hệ miễn dịch và xây dựng cơ bắp. Đối với lượng kẽm cần thiết hàng ngày, việc cung cấp đủ lượng thịt đỏ sẽ đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Cung cấp các vitamin nhóm B
Thịt đỏ giàu vitamin B6 và vitamin B12, giúp chậm quá trình lão hóa và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Ăn nhiều thịt đỏ có tốt không?
Ăn nhiều thịt đỏ làm tăng cholesterol trong máu
Theo thông tin từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, so với các nguồn thực phẩm động vật khác như thịt gà, thịt vịt hoặc cá, thì thịt đỏ chứa một lượng lớn chất béo bão hòa. Đây là loại chất béo làm tăng cholesterol trong máu theo thời gian.
Khi mức cholesterol tăng cao, nó có thể tích tụ trên thành các mạch máu làm tăng nguy cơ gây cản trở sự lưu thông máu đến tim. Đồng thời còn góp phần tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nguy hiểm.
Ăn nhiều thịt đỏ có thể làm giảm tuổi thọ
Năm 2012, Đại học Harvard đã công bố một nghiên cứu chỉ ra rằng người tiêu thụ lượng lớn thịt đỏ sẽ có tỷ lệ tử vong và mắc các bệnh tim mạch cao hơn đáng kể so với những người ăn thịt đỏ một cách hợp lý.
Sau 28 năm nghiên cứu, các nhà nghiên cứu tiếp tục đưa ra kết luận rằng mỗi khẩu thịt đỏ được tiêu thụ mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ tử vong lên đến 13%. Hơn nữa, nếu là thịt đỏ đã qua chế biến, nguy cơ tử vong có thể tăng lên đến 20%.
Ăn nhiều thịt đỏ ảnh hưởng xấu đến thận
Khi bạn già, vấn đề liên quan đến thận và rủi ro phát triển bệnh thận sẽ gia tăng. Theo thông tin từ Medical News Today, việc giảm hoặc loại bỏ tiêu thụ thịt đỏ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho những người đang phải đối mặt với bệnh thận mãn tính.
Điều này là do những người có vấn đề về thận thường gặp khó khăn trong quá trình chuyển hóa và hấp thụ phosphate. Do đó, họ có xu hướng muốn giảm lượng phosphate tiêu thụ trong bữa ăn hàng ngày của mình.
Ăn nhiều thịt đỏ có thể gây bệnh ung thư
Không chỉ riêng thịt đỏ mà đối với bất kỳ loại thịt nào khác như thịt gia cầm hay cá đều chứa hàm lượng protein rất cao. Khi chúng được đun nấu ở nhiệt độ cao có thể tạo ra các hợp chất làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
Những người tiêu thụ nhiều protein từ thịt đỏ có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn 4 lần so với những người ăn ít thịt đỏ, đặc biệt là ung thư đại trực tràng, ung thư ruột và ung thư tiền liệt tuyến. Vì vậy, không nên nấu chín thịt ở nhiệt độ quá cao, cần phải loại bỏ thịt khi đã cháy.
Theo khuyến cáo, mỗi người chỉ nên tiêu thụ 300 – 500gr thịt đỏ mỗi tuần và nên ăn khoảng 2 lần/tuần để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Đồng thời, cần bổ sung thêm các loại rau củ quả để đảm bảo cân bằng dưỡng chất một cách thích hợp.
Thịt đỏ ăn bao nhiêu và thế nào cho an toàn?
Bộ Y tế Anh đề xuất rằng những người tiêu thụ hơn 90gr thịt đỏ và thịt chế biến mỗi ngày nên giảm mức tiêu thụ xuống còn 70gr, đây là mức tiêu thụ trung bình hàng ngày ở Anh. 70gr tương đương với khoảng 2 lát thịt bò nướng, thịt cừu hoặc thịt lợn, mỗi lát tương đương với khoảng một nửa chiếc bánh mỳ cắt lát.
Việc giảm mức tiêu thụ xuống 70gr được cho là có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột. Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế ăn thịt đã qua chế biến như xúc xích, giăm bông…
Phần thịt đỏ lành mạnh nhất nên dùng như: Thăn bò, thăn lợn và thăn cừu băm.
Lưu ý khi ăn thịt đỏ
Bên cạnh, các chất dinh dưỡng mà thịt đỏ cung cấp cho cơ thể thì vẫn tồn tại nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe nếu như bạn sử dụng không đúng cách loại thịt này. Chẳng hạn:
Thịt đỏ qua chế biến
Các loại thịt đỏ qua chế biến như xúc xích và thịt xông khói, có thể gây hại cho sức khỏe người dùng vì dễ gây ra các bệnh mãn tính.Chẳng hạn, nhiều nghiên cứu cho thấy việc ăn thịt đỏ có thể liên quan đến bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Kết quả phân tích từ 20 cuộc nghiên cứu trên 1.218.380 người cho thấy: Việc dùng thịt đỏ qua chế biến đều có liên quan đến bệnh tim và tiểu đường.
Trong nghiên cứu gồm 448.568 người chứng minh thêm: Khi sử dụng thịt đỏ qua chế biến có khả năng tử vong nhiều hơn so với việc dùng thịt đỏ chưa qua chế biến.
Phương pháp chế biến
Thịt đỏ gây hại cho cơ thể nếu như bạn sử dụng vượt quá hàm lượng được khuyến dùng mỗi ngày kèm theo phương pháp chế biến gây hại cho sức khỏe. Vì theo các nghiên cứu cho thấy: thịt đỏ vốn dĩ không gây hại mà là do các hợp chất trong thịt đỏ sẽ bị biến đổi dưới sự tác dụng của nhiệt (khi sử dụng các phương pháp nấu chín), như sinh ra các amin dị vòng (HA), các sản phẩm AGEs hoặc hydrocacbon thơm đa vòng (PAH). Từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh hơn khi chúng ta ăn phải, nhất là ung thư đại trực tràng.
- Ưu tiên chọn dùng phương pháp chế biến tốt cho sức khỏe như hấp và hầm, thay vì chiên và nướng.
- Hạn chế nấu thịt đỏ ở nhiệt độ cao, tránh tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa.
- Tránh ăn phần thịt đỏ bị cháy hoặc hun khói.
- Nếu yêu thích các món thịt đỏ chiên hoặc nướng, bạn cần liên tục đảo mặt thịt thường xuyên để không bị cháy khét. Ngoài ra, có thể ướp thịt đỏ với rượu vang đỏ, nước cốt chanh, dầu oliu hoặc tỏi để làm giảm bớt nồng độ HA có trong thịt đỏ.
Dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều thịt đỏ
Táo bón
Táo bón thường là biểu hiện dễ nhận biết khi tiêu thụ lượng lớn thịt đỏ. Việc ăn quá nhiều đạm có thể làm mất cân bằng trong cơ thể và để khắc phục bạn cần bổ sung chất xơ từ rau củ quả để duy trì sự cân bằng cần thiết.
Tăng cholesterol
Tăng cholesterol là một hậu quả khác của việc tiêu thụ thịt đỏ. Chất béo bão hòa trong thịt đỏ có thể góp phần làm tăng mức cholesterol, tạo ra tình trạng mỡ trong máu. Để cải thiện tình trạng cholesterol cao, bạn nên tập luyện thể thao kết hợp với một chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.
Tăng cân
Việc tiêu thụ thịt đỏ có thể giúp cung cấp năng lượng dồi dào cho cơ thể, giúp bạn duy trì đủ sức lực để tham gia các hoạt động trong ngày. Tuy nhiên, việc ăn quá mức thịt có thể dẫn đến tăng cân do lượng đạm dư thừa trong cơ thể. Để cải thiện trạng thái cân nặng, việc giảm lượng thịt đỏ trong chế độ ăn hàng ngày là cần thiết.
Tóc và da trở nên xấu đi
Ngoài ra, việc tiêu thụ quá nhiều thịt có thể gây ra tình trạng xấu đi của tóc, móng và da. Đây là phản ứng của cơ thể khi thiếu chất cần thiết từ thực vật, đặc biệt là vitamin C, một chất hiếm khi có trong thịt đỏ.
Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành collagen và khi thiếu hụt nó có thể dẫn đến sự giảm chất lượng của tóc, móng và da.
Sự khác biệt giữa thịt đỏ và thịt trắng
Để nhận thấy sự khác biệt giữa thịt đỏ và thịt trắng, người ta dựa vào hàm lượng sắc tố myoglobin có trong thịt – đây là yếu tố giúp cho thịt có màu đỏ tươi khi tiếp xúc với oxy. Thế nhưng, màu sắc của thịt còn chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố khác như giống loài, độ tuổi, giới tính, mức độ hoạt động và chế độ ăn uống.
Ví dụ, khi hoạt động nhiều thì cơ bắp của động vật cần có nhiều oxy hơn, dẫn đến nồng độ myoglobin trong cơ bắp cao. Điều này khiến cho thịt động vật có màu đỏ sậm hơn. Bạn có thể thấy các loại động vật thuộc nhóm thịt đỏ như thịt bò (màu đỏ anh đào), thịt cừu (màu đỏ anh đào sậm), thịt heo (màu hồng xám) và thịt bê (màu hồng nhạt).
Sở dĩ, thịt heo được xếp vào danh sách thịt đỏ là có 2 lý do theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) giải thích như sau:
- Nồng độ myoglobin của thịt heo nhiều hơn thịt gia cầm và cá, nên dù thịt heo không có màu đỏ nhưng vẫn được xếp vào danh sách nhóm thịt đỏ.
- Heo phần lớn được nuôi theo quy mô trang trại, cùng môi trường chăn nuôi với cừu, bò và bê nên nhóm động vật này được xếp vào nhóm thịt đỏ.
Nói tóm lại, dựa vào một số yếu tố cơ bản thì bạn có thể nhận thấy sự khác biệt giữa thịt đỏ và thịt trắng như sau:
Thịt đỏ | Thịt trắng | |
Nhận biết | Màu đỏ, màu sắc thịt không thay đổi khi được nấu chín | Màu trắng hoặc vàng nhạt |
Hương vị | Vị đậm đà, dễ kích thích vị giác | Vị thanh |
Thành phần dinh dưỡng nổi bật | Giàu chất sắt và vitamin B12 | Ít chất béo và ít cholesterol |
Các món ăn làm từ thịt đỏ hấp dẫn
Không quá khó để có thể chế biến thịt đỏ thành nhiều món ăn ngon, từ món gỏi, món nướng, món hấp cho đến món lẩu. Chẳng hạn, bạn có thể làm gỏi bò tái chanh, sườn bò nướng, sườn cừu nướng thảo mộc, cà ri nai,…
Xem thêm:
- Bọt biển là gì? Công dụng và 4 dạng bọt biển thường dùng
- Phèn chua là gì? Phèn chua có tác dụng gì, mua ở đâu?
- Lúa mì là gì? Lúa mì và lúa mạch khác nhau thế nào?
Như vậy, bạn đã biết được thịt đỏ là gì cũng như sự khác biệt giữa thịt đỏ và thịt trắng. Hy vọng bài viết của KHOEPLUS24H đã giúp bạn có thêm kiến thức bổ ích. Hẹn gặp lại bạn những chủ đề thú vị khác nhé!