Hải sâm là một trong những loại hải sản cao cấp và bổ dưỡng giống như bào ngư vi cá được biết đến vậy. Thế hải sâm là gì? Hãy cùng Khoeplus24h khám phá các loại hải sâm phổ biến trong chuyên mục Mẹo vào bếp hôm nay, cùng với cách chế biến và giá hải sâm hiện nay bao nhiêu nhé!
Hải sâm là con gì?
Nguồn gốc của hải sâm
Đa phần hải sâm thường sống ở dưới đáy biển sâu trên toàn thế giới, đặc biệt có nhiều ở khu vực biển Châu Á Thái Bình Dương. Một số hải sâm đôi khi còn bị vùi lấp dưới đại dương sâu.Ở độ sâu hơn 8,9 km, hải sâm chiếm 90% tổng khối lượng của loài macrofauna.
Hải sâm hình thành từng đàn lớn di chuyển khắp các vùng sâu của đại dương, săn tìm thức ăn.
Đây là một trong những động vật da gai thích nghi tốt nhất ở độ sâu cực lớn.
Đặc điểm cơ thể của hải sâm
Hải sâm là loại động vật không có xương sống, hình dạng bên ngoài trông giống như con đỉa. Chúng thường có cấu tạo hình ống thân sần sùi, không phân biệt được đầu – đuôi.
Cơ thể hải sâm được cấu tạo từ một mô sền sệt dai với các đặc tính độc đáo như cơ thể có từ 8 đến 30 chân ống trông giống như những xúc tu bao quanh miệng, điều này giúp chúng tiêu thụ thức ăn và giúp chúng có thể di chuyển dưới đáy đại dương.
Thành phần dinh dưỡng của hải sâm
Trong 112gr hải sâm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như:
- Lượng calo: 60
- Chất đạm: 14 gram
- Chất béo: < 1 gram
- Vitamin A: 8% DV
- Vitamin B2 (Riboflavin): 81% DV
- Vitamin B3 (Niacin): 22% DV
- Canxi: 3% DV
- Magiê: 4% DV
Ngoài ra, trong hải sâm còn chứa nhiều hợp chất khác hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác như ung thư, tim mạch, đau khớp,… Do vậy từ lâu hải sâm được chọn làm một trong số các thực phẩm giúp bồi bổ cơ thể.
Các loại hải sâm và giá hải sâm theo từng loại
Dưới đây là một số loại hải sâm mà bạn có thể thấy trên thị trường:
Hải sâm vú
Hải sâm vú, còn được biết đến là Đồn đột vú, có tên khoa học là Holothuria nobilis. Chúng thường sinh sống chủ yếu ở vùng biển nhiệt đới thuộc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Loại hải sâm này có thân hình oval hoặc hình trụ tròn, với đường kính dao động từ 40 – 100mm và chiều dài khoảng 300 – 400mm (đối với hải sâm vú trưởng thành).
Phần bụng hải sâm vú có màu sáng hơn phần lưng, nhiều chân nhỏ xếp thành băng dọc và 2 bên sườn có nổi những u thịt giống như 2 hàng vú.
Cập nhật vào tháng 07/2023, giá hải sâm vú dao động từ 1.500.000 – 1.800.000 VND/kg.
Hải sâm vú trắng
Hải sâm vú trắng, có tên gọi khoa học là Holothuria fuscogilva, thường sống ở độ sâu từ 3 – 40m và phân bổ chủ yếu ở vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây là loại hải sâm có giá trị kinh tế cao.
Hình dạng không khác gì nhiều so với hải sâm vú mà Khoeplus24h vừa nói trên, nhưng với hải sâm vú thì có phần lưng màu trắng kèm với những vệt màu đen (hoặc trắng có tông màu khác với nền màu lưng của chúng). Ngoài ra, phần bụng chúng có màu trắng sữa.
Nhìn chung, kích thước hải sâm vú trắng có thể lên đến 57cm và tuổi thọ sống hơn 12 năm. Đây là loại hải sâm có giá trị kinh tế cao và cũng được xếp vào loại hải sâm quý hiếm.
Cập nhật vào tháng 07/2023, giá hải sâm vú trắng tươi khoảng 1.700.000 VND/kg, còn lạoi hải sâm vú trắng khô khoảng 3.200.000 VND/kg.
Hải sâm lựu
Hải sâm lựu có tên khoa học là Thelenota ananas, đây là loại hải sâm nằm trong danh sách đỏ của nước ta. Chúng được tìm thấy chủ yếu ở vùng biển Trường Sa, Thổ Chu, Bình Thuận và Khánh Hòa tại Việt Nam.
Kích thước của hải sâm lựu khá lớn, có chiều dài từ 400 – 700mm đối với con trưởng thành. Trên thân chúng có nhiều hình tứ giác, thoạt nhìn như ngôi sao. Phần miệng nằm phía dưới bụng với khoảng 20 xúc tu có màu nâu và xung quanh miệng xuất hiện nhiều gai thịt hình nón.
Mặt lưng hải sâm hơi cong, nhiều gai thịt có màu cam đỏ và phần cuống chùm gai ngắn. Mặt bụng thì phẳng và có màu hồng nhạt.
Vì đây là loại hải sâm nằm trong danh sách đỏ, đang được các nhà khoa học thuần dưỡng và bảo vệ, nên hầu như bị cấm mua bán trên thị trường.
Hải sâm mít
Hải sâm mít, được biết với tên khoa học Actinopyga caerulea Samyn, hải sâm này cũng có giá trị kinh tế nhưng đang trong tình trạng khai thác quá mức tại Việt Nam nên rất khó tìm thấy chúng ở môi trường tự nhiên.
Ở nước ta, hải sâm mít thường được phân bố ở ven bờ biển miền Trung và các hải đảo (như Thổ Chu, Côn Đảo, Phú Quốc,…). Loại hải sâm này có nhiều điểm khác biệt về màu sắc và các chân dưới bụng so với các loại hải sâm khác.
Thân chúng có dạng hình trụ dài và phình to ở giữa, trong khi 2 đầu thì có xu hướng thon nhỏ lại. Chiều dài của hải sâm mít trưởng thành dao động từ 150 – 250mm với đường kính khoảng 30 – 50cm và vách thân dày.
Miệng hải sâm ở phía trước, có nhiều xúc tu lớn và ngắn, trong đó chóp xúc tu xòe ra hình tán. Mặt lưng hải sâm có màu nâu thẫm, xuất hiện nhiều gai thịt nhỏ trông như các gai quả mít vậy!
Cập nhật tháng 07/2023, giá hải sâm mít khoảng khoảng từ 900.000 – 1.000.000 VND/kg.
Hải sâm dừa
Hải sâm dừa, có tên gọi khác là con banh lông và tên khoa học là Actinopyga mauritiana. Chúng thường sống ở những vùng biển sâu, thích vùi mình vào dưới bùn và cát.
Hải sâm dừa có dạng cầu, hơi giống trái banh lông, với đường kính từ 60 – 180mm cùng chiều dài khoảng 200 – 300mm. Lớp da của hải sâm nhám và có độ nhớt cao. Mặt lưng có màu nâu đen, xàm hoặc màu trắng, xuất hiện nhiều đốm. Vùng bụng có nhiều ống chân nhỏ.
Cập nhật tháng 07/2023, giá hải sâm dừa khoảng 500.000 – 550.000 VND/kg.
Hải sâm đen
Hải sâm đen, có tên khoa học là Holothuria vagabunda, đây cũng là loại hải sâm có giá trị kinh tế và hàm lượng dinh dưỡng cao hiện nay. Chúng thường sống ở dưới đáy các bờ đá cạn.
Hải sâm đen có thân hình oval dẹt với chiều dài từ 30 – 40cm và có khoảng 6 – 8 vú nằm dọc ở 2 bên thân. Chúng có màu đen huyền, một số con thì xuất hiện đốm màu da cam hoặc màu kem trên thân.
Cập nhật vào tháng 07/2023, giá hải sâm đen khoảng 550.000 – 600.000 VND/kg.
Hải sâm cát
Hải sâm cát có tên khoa học là Holothuria scabra, thường sống ở những vùng nước nông ven biển, đồng thời có thói quen ăn mùn bã hữu cơ và xác động vật chết dưới đáy biển nên chúng có lợi cho môi trường biển sạch. Ngoài ra, hải sâm này còn có giá trị dinh dưỡng cao nên hay được sử dụng trong Y học.
Hải sâm cát không có mắt, thậm chí bạn khó phân biệt được phần đầu và đuôi của chúng. Khi trưởng thành, hải sâm cát có kích thước khoảng 20cm với lớp da hơi nhám, sần sùi nhưng lại mềm. Phần miệng của hải sâm cát nằm ở một đầu và xung quanh có khoảng 5 – 10 xúc tu.
Cập nhật vào tháng 07/2023, giá hải sâm cát 600.000 – 750.000VND/kg.
Hải sâm gai vàng
Hải sâm gai vàng có tên khoa học là Thelenota anax, đây là một trong những loại hải sâm quý hiếm và sống chủ yếu ở độ sâu từ 10 – 30m.
Khi trưởng thành, hải sâm gai vàng có chiều dài đến gần 50cm cùng với trọng lượng trung bình từ 0.5 – 1kg. Hình dáng bên ngoài của hải sâm này trông như con đỉa nhưng phần lưng có nhiều gai thịt và có màu vàng cam.
Vì giá trị dinh dưỡng cao nên hải sâm gai vàng bị khai thác quá nhiều, khiến cho loại hải sâm này đang có nguy cơ ở mức báo động.
Cập nhật tháng 07/2023, giá hải sâm gai vàng dao động từ 700.000 – 750.000VND/kg.
Hải sâm đỏ
Hải sâm đỏ, có tên khoa học là Stichopus japonicus Selenka, sống ở hầu hết các vùng biển trên toàn thế giới. Chúng có thân hình trụ, xuất hiện nhiều u thịt nhô lên và có màu cam hoặc màu đỏ nên trông khá bắt mắt.
Hải sâm đỏ có vị mặn, thịt được đánh giá là ngon và có giá trị dinh dưỡng cao nên rất được săn đón. Cập nhật vào tháng 07/2023, giá hải sâm đỏ dao động từ 700.000 – 1.000.000 VND/kg.
Lưu ý khi ăn hải sâm
Nếu bạn là một người bị dị ứng với hải sản có vỏ, hãy cân nhắc khi sử dụng hải sâm vì nó có thể gây dị ứng. Mặc dù bản thân loại thực phẩm này không hề có vỏ nhưng chúng có thể bị ô nhiễm chéo tại các nhà hàng hải sản hoặc cơ sở chế biến.
Cách chế biến hải sâm đúng cách
Hải sâm tươi
Giống như những loại hải sản tươi sống khác, hải sâm tươi sẽ có mùi tanh nên cần được sử lý đúng cách mới có thể ăn được.
Cách 1: Dùng muối và gừng
- Để loại bỏ mùi tanh của hải sâm chúng ta có thể dùng muối và gừng. Trước tiên, chúng ta giã nhuyễn 3 – 4 củ gừng sau đó pha với 1 ít rượu, hải sâm sau khi đã làm sạch ruột thì cho vào hỗn hợp rượu và gừng ngâm trong khoảng 15 phút. Rượu và gừng sẽ giúp làm mất mùi tanh của hải sâm.
- Tiếp theo chúng ta pha nước muối loãng, hải sâm sau khi ngâm xong thì cho vào nước muối, cuối cùng rửa lại bằng nước sạch là có thể chế biến được.
Cách 2: Nướng hải sâm
- Nướng sơ hải sâm, việc nướng sơ hải sâm chẳng những giúp hải sâm không còn mùi tanh mà còn khiến chúng giảm đi độ mặn, tan độ giòn.
- Trước tiên chúng ta tiến hành nướng sơ hải sâm, sau đó cạo bỏ lớp nhớt trên chúng rồi ngâm vào nước lạnh khoảng 30 phút.
- Việc ngâm hải sâm trong nước lạnh sẽ giúp thịt hải sâm giảm bớt độ mặn. Cuối cùng là đợi phần hải sâm mềm ra thì bóc lớp vỏ ngoài sau đó luộc sơ và ngâm thêm trong nước lạnh để tạo nên độ giòn của hải sâm.
Hải sâm khô
Ngâm và lấy ruột, trước tiên chúng ta đem hải sâm đi ngâm nước ấm khoảng 12 – 16 tiếng cho đến khi thịt hải sâm mềm ra và có độ đàn hồi thì sẽ dễ dàng cho việc cắt thịt hải sâm. Dùng dao để nạo sạch phần ruột ra và rửa lại với nước sạch rồi để cho ráo nước.
Tiếp theo, giã nát 3 – 5 củ gừng cho vào 1 nồi nước, đun lửa nhỏ đảm bảo sao cho nước luôn nóng vừa phải là được. Nếu nước quá nóng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của hải sâm, còn nước bị nguội dần sẽ khiến thịt hải sâm không được mềm và ngon.
Tiếp tục đun hải sâm trong vòng 30 phút, thấy thịt hải sâm mềm hẳn ra thì chuẩn bị 1 thau nước đá, cho hải sâm vào ngâm thêm 10 phút để giúp thịt hải sâm giòn và ngon hơn.
Các món ăn ngon từ hải sâm
Giống như các loại hải sản cao cấp khác, bạn có thể chế biến hải sâm ra rất nhiều món ăn ngon, có giá trị dinh dưỡng cao như hải sâm xào nấm đông cô, cháu hải sâm, súp bào ngư hải sâm vi cá mập, mì xào hải sâm,…
Xem thêm:
- Bé mấy tháng bắt đầu ăn được tôm? Mẹ cần lưu ý gì?
- Người già nên ăn gì? Thực phẩm tốt cho người lớn tuổi, nâng cao sức khỏe
- 8 tác dụng của hàu với sức khỏe, giá trị dinh dưỡng và lưu ý khi ăn
Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc hải sâm là gì cũng như các loại hải sâm phổ biến trên thị trường, giá hải sâm và cách chế biến hải sâm sao cho an toàn rồi nhé. Chúc bạn có thêm nhiều món ăn ngon từ hải sâm sau khi đã biết giá trị dinh dưỡng và cách chế biến chúng.