Đau họng là triệu chứng thường gặp mỗi khi thời tiết trở lạnh và nhất là những ai có thói quen uống nước đá hoặc các loại thức uống chứa nhiều đá viên nói chung. Vậy khi bị viêm, đau họng nên uống gì nhanh khỏi? Cách giảm đau họng tại nhà ra sao? Cùng KHOEPLUS24H tìm hiểu ngay trong chuyên mục Cẩm nang sức khỏe lần này!
Nguyên tắc ăn uống cho người viêm họng
Viêm họng là một loại bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, làm ảnh hưởng đến lớp niêm mạc họng, từ đó xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm họng như đau họng, rát cổ, ho và cảm giác khó nuốt.
Do đó, chế độ ăn uống cho người viêm họng cần được chú trọng và nên tuân thủ theo nguyên tắc sau:
- Bổ sung các loại thực phẩm có chức năng tăng cường hệ miễn dịch, như thực phẩm giàu omega 3, thực phẩm giàu kẽm, trứng, sữa, trái cây – thực phẩm giàu vitamin C, ngũ cốc,…
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm dễ gây kích ứng niêm mạc họng như thức uống lạnh (hoặc có đá), thức ăn cay nóng, nước ngọt có ga, thức ăn chiên nhiều dầu mỡ,…
- Uống đầy đủ nước. Tránh tiêu thụ thức ăn có kết cấu khó nuốt, khô cứng vì dễ gây đau cổ họng.
- Lên kế hoạch ăn uống nhằm sử dụng đa dạng thực phẩm, giúp bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể.
- Có thể chia nhỏ bữa ăn trong ngày, đồng thời cố gắng ăn đủ và đúng bữa.
Viêm họng uống gì?
Ngoài việc ăn các loại thức ăn mềm, chọn thực phẩm giúp tăng sức đề kháng, thì khi bị viêm họng bạn nên ưu tiên uống những loại nước sau:
Trà và mật ong
Trà chứa nhiều chất chống oxy hóa và có đặc tính kháng khuẩn, nên có khả năng giảm viêm và giảm đau.
Trong khi đó, mật ong cũng có đặc tính diệt khuẩn và thậm chí còn được các nhà nghiên cứu chứng minh là có tác dụng giảm ho hiệu quả, hoạt động gần tương tự như thuốc trị ho.
Vì thế, pha trà ấm kèm với chút mật ong sẽ có tác dụng xoa dịu cổ họng của bạn cũng như giảm viêm họng một cách đáng kể.
Trà hoa cúc
Từ rất lâu, trà hoa cúc đã được sử dụng trong Đông y với tác dụng giảm đau họng nhờ chứa nhiều hợp chất có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ và kích thích hệ thống miễn dịch hoạt động để chống lại sự nhiễm trùng – một trong những nguyên nhân gây đau họng.
Không những thế, trong một số nghiên cứu còn chỉ ra thêm: việc ngửi tinh dầu từ hoa cúc và kể cả việc uống trà hoa cúc còn có khả năng làm giảm các triệu chứng của bệnh cảm lạnh, gồm đau họng.
Lá bạc hà
Lá bạc hà có chứa lượng lớn tinh dầu, có khả năng làm loãng chất nhầy và dịu cơn ho, đau họng. Hơn nữa, tinh dầu bạc hà còn có đặc tính kháng khuẩn và kháng vi rút, nên có tác dụng chữa lành vết thương hiệu quả.
Vì thế, bạn hãy dùng lá bạc hà như một loại rau sống, hoặc sử dụng chai xịt dầu bạc hà (nồng độ loãng) để làm giảm cơn đau họng.
Cỏ cà ri
Cỏ cà ri có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và nó đã được chứng minh là có khả năng diệt các loại vi khuẩn gây kích ứng hoặc gây viêm, nhờ đó có lợi cho việc khắc phục triệu chứng viêm họng.
Bạn có thể dùng cỏ cà ri dưới nhiều hình thức như ăn hạt cỏ cà ri, uống trà cỏ cà ri và sử dụng dưới dạng dầu bôi.
Rễ cây Marshmallow
Rễ cây Marshmallow có chứa một loại chất nhầy – chất này có thể bao phủ niêm mạc họng và làm dịu cơn đau họng.
Bạn hãy thử lấy một ít rễ cây Marshmallow (dạng sấy khô) cho vào cốc nước sôi, pha như trà rồi nhấm nháp từ 2 – 3 lần/ngày sẽ cải thiện được tình trạng đau họng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng rễ cam thảo cũng có tác dụng điều trị bệnh viêm họng hiệu quả, không thua gì so với rễ cây Marshmallow.
Cây du trơn Slippery elm
Giống như rễ cây Marshmallow, cây du trơn Slippery elm cũng chứa một chất trông giống chất nhầy. Chất này khi gặp nước sẽ tạo thành gel bao phủ và làm dịu cổ họng của bạn.
Vì thế, bạn hãy lấy bột vỏ cây du trơn Slippery elm, đem hòa tan với nước sôi và khuấy đều trước khi uống để cải thiện chứng viêm họng.
Tuy nhiên, theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, thì việc dùng bột cây này có thể làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc điều trị bệnh mà bạn đang dùng.
Giấm táo
Nhiều nghiên cứu cho thấy: giấm táo có tác dụng kháng khuẩn và chống nhiễm trùng hiệu quả nhờ có đặc tính axit – giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây viêm trong cổ họng.
Chính vì điều đó, khi có cảm giác đau họng thì bạn có thể pha loãng giấm táo từ 1 – 2 muỗng canh vào cốc nước lọc và súc miệng, thậm chí hãy thử ngậm lượng nhỏ hỗn hợp giấm táo pha loãng từ 1 – 2 lần/giờ ngoài việc súc miệng, sẽ thấy hiệu quả đáng kể.
Tỏi
Nhóm hợp chất organosulfer, cụ thể là allicin được chứa trong tỏi có khả năng chống nhiễm trùng, nhờ đó tỏi có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên.
Việc sử dụng tỏi thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa bệnh cảm lạnh thông thường và nếu như bị đau họng thì bạn hãy thử ngậm một nhánh tỏi để cải thiện tình trạng bệnh.
Tuy nhiên, tỏi thường để lại mùi nồng trong vòm miệng và hơi thở, nên bạn cần phải súc miệng lại và có thể ăn thêm táo, uống trà xanh hoặc nhai kẹo cao su để khử mùi tỏi.
Nước lọc
Ngoài các thực phẩm trên, nước lọc là một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, kể cả những lúc bạn điều trị bệnh viêm họng.
Nếu thiếu nước, cơ thể bạn sẽ không sản xuất đủ lượng nước bọt và chất nhầy bên trong cổ họng, điều này càng khiến cho cổ họng bị sưng tấy và tình trạng viêm trở nên trầm trọng hơn. Do đó, hãy bổ sung đủ nước và bạn có thể uống nước ấm để giúp cổ họng bớt đau hơn.
Như vậy, bạn đã biết khi bị viêm, đau họng nên uống gì nhanh khỏi? 9 cách giảm đau họng tại nhà ra sao đúng không nào? Chúc bạn có thêm nhiều sức khỏe với kiến thức hữu ích cùng chuyên mục Cẩm nang sức khỏe!